Nữ sinh chọn nghề “nam tính”

Trần Xuân Phương Trinh (23 tuổi, quê ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) hiện là sinh viên năm 2 lớp cắt gọt kim loại A, khoa Cắt gọt kim loại, Trường CÐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn. Cô là nữ sinh duy nhất trong lịch sử 15 năm hình thành bộ môn Cắt gọt kim loại. Không chỉ là “của hiếm”, cô còn là “của quý” khi sở hữu thành tích học đáng nể, hoạt động phong trào sôi nổi.

Bước rẽ chủ động

Trước khi đăng ký vào học tại Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, Trinh là sinh viên ngành tổng hợp hóa Trường ĐH Quy Nhơn. Học hết năm đầu đại học, cô đã muốn nghỉ học vì nhận thấy không phù hợp với ngành học. Song, vì mẹ không đồng ý, Trinh tiếp tục nấn ná, học tập. Đến hết năm hai, Trinh đã thuyết phục được mẹ, dự định đăng ký học CĐ Y tế Bình Định, tiếp tục ước mơ trở thành một nhân viên y tế - điều mà cô bỏ lỡ khi không đủ điểm đậu ĐH Y Dược. Nhưng rồi, trong thời gian tìm hiểu, suy nghĩ, Trinh lại chọn học nghề cắt gọt kim loại bởi nhiều lý do.

 

Trinh vận hành máy tiện CNC tại xưởng thực hành.

“Trước hết là vì học phí. Nhiều người không tin rằng: một gia đình làm biển như nhà tôi lại không đủ khả năng nuôi đứa con duy nhất đi học. Nhưng, nghề biển bây giờ rất bấp bênh. Cha mẹ tôi vẫn đang nợ khoản tiền vay của Nhà nước để mua tàu. Suốt 2 năm đại học, tôi làm thêm để tự trang trải tiền ăn ở, chia sẻ tiền đóng học phí với cha mẹ. Đến khi nghỉ học, trong thời gian chờ bắt đầu năm học mới, tôi tiếp tục đi làm thêm, quyết tâm phải tích lũy đủ tiền đóng học phí học kỳ đầu tiên. Nghề cắt gọt kim loại được tôi chọn bởi thuộc nhóm nghề cơ khí, ngành học mà tôi đang hướng đến; lại thêm được giảm học phí, chỉ phải đóng hơn 1 triệu đồng/học kỳ. Thêm nữa, tôi phát hiện ra mình rất hứng thú với máy móc, thấy vui khi nghĩ đến việc bản thân có thể tham gia vào việc chế tạo, lắp đặt ra những sản phẩm thiết thực. Và cuối cùng, vùng biển quê tôi cần những lao động học nghề này”, Trinh bộc bạch.

Trong buổi gặp gỡ tân sinh viên, các giảng viên của khoa Cắt gọt kim loại đã dành thời gian tư vấn, hướng dẫn cho nữ sinh viên duy nhất này. Ông Nguyễn Tấn Phúc, Trưởng khoa kể: “Chúng tôi phân tích cho em thấy những thuận lợi, khó khăn và định hướng nghề nghiệp sau khi học xong. Nghề này thoạt nhìn tưởng không phù hợp với nữ giới nhưng với xu hướng tự động hóa hiện nay, nữ sinh có rất nhiều cơ hội. Nếu em cảm thấy mình không phù hợp thì vẫn có thể chuyển ngành khác. Đáng mừng, Trinh có tố chất, có động lực học tập rõ ràng nên luôn nỗ lực, chủ động học hỏi, tìm hiểu. Dù là sinh viên nữ duy nhất, nhưng em không nhờ vả các bạn nam, luôn tự thực hành, tự rèn luyện. Chúng tôi cũng động viên em học tập nghiêm túc để từ trường hợp của em, sẽ có thêm nhiều bạn nữ mạnh dạn theo đuổi lĩnh vực này”.

“Đóa hoa” thắm sắc, tươi màu

Nhiều người khi nghe tôi nhắc đến cô sinh viên ngành cắt gọt kim loại ngay lập tức tưởng tượng đến một cô gái có ngoại hình to, khỏe, có phần “vai u thịt bắp”. Thực tế, Trần Xuân Phương Trinh là cô gái thon thả, ưa nhìn. Năm 2017, cô từng đạt giải nhì “Nữ sinh thanh lịch” cấp trường. Trong màu áo xanh đặc trưng của sinh viên trường nghề, đứng giữa rất nhiều máy móc trong xưởng thực hành, Trinh nổi bật bởi chính sự nghiêm túc, tập trung trong mỗi thao tác lập trình, vận hành máy móc.

 

Trinh và nhóm bạn bên sản phẩm “Giá phơi đồ tự động”.

Còn nhớ những lần đầu tiên mới xuống xưởng thực hành, do bị dị ứng với xà phòng, lại thêm vội vàng để bắt kịp chuyến xe về thăm nhà, Trinh gặp mẹ với bàn tay lấm lem dầu nhớt. Hình ảnh đó làm mẹ cô thoáng xót xa. Rồi, những giờ thực hành đứng máy, Trinh cũng nhận thấy mình khó so bì với các bạn nam về độ dẻo dai, về sức mạnh khi bưng bê các chi tiết, giá đỡ. Nhưng đến khi học vận hành máy CNC, Trinh tìm thấy thế mạnh của mình. Cô tập trung vào lập trình vận hành máy. Nhờ vào thế mạnh này, Trinh cùng 3 bạn học lập thành một đội chế tạo ra sản phẩm “Giá phơi đồ tự động” và giành về giải ba tại Cuộc thi “Sáng tạo SV” do Tỉnh đoàn tổ chức năm 2018. Đến nay, sản phẩm này đã được một vài khách hàng đặt làm, đưa vào sử dụng trong thực tế.

Trinh là gương mặt có thành tích học tập nổi bật của lớp khi học kỳ nào cũng giành học bổng. Từ học kỳ hai năm nhất đến nay, học bổng của cô luôn đủ để trang trải học phí của mỗi học kỳ. Cô cũng là “cây phong trào” khi vừa đảm nhiệm vị trí lớp trưởng, Phó Bí thư Liên chi đoàn khoa Cắt gọt kim loại. Nhờ vào thành tích học tập tốt, sự năng nổ, nhiệt tình, cô được chọn là gương mặt đại diện cho sinh viên toàn trường phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019. Đầu năm 2019, Trinh vinh dự nhận danh hiệu “Sinh viên 5 tốt”.

Nguồn: Nguyễn Muội - Báo Bình Định